Đây có lẽ là câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp sau khi thành lập, để giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, Luật Giai Ý sẽ thể hiện bằng bài viết dưới đây để doanh nghiệp hiểu rõ và nắm bắt được các quy định của pháp luật đối với vấn đề này.
Người quản lý doanh nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người quản lý doanh nghiệp như sau:
” Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Theo đó người quản lý doanh nghiệp bao gồm: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác.
Như vậy giám đốc của công ty cổ phần được xem là người quản lý doanh nghiệp.
Giám đốc công ty cổ phần có kiêm nhiệm kế toán được không?
Căn cứ Điều 13 Luật Kế toán 2015 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“1. Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
- Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
- Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
- Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ quy định tại Điều 41 của Luật này.
- Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
- Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của Luật này.
- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.
- Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 51 và Điều 54 của Luật này.
…”
Đối chiếu quy các định trên, người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý đơn vị kế toán (khoản 4 Điều 3 Luật này) cho nên không thể kiêm nhiệm làm kế toán công ty được.
Doanh nghiệp, công ty bắt buộc phải có kế toán không?
Theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về vị trí kế toán trưởng, người phụ trách kế toán như sau:
“1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
- Phụ trách kế toán:
- a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
- b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
- Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 5 năm sau đó phải thực hiện các quy trình về bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán.
- Khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.
- Bộ Nội vụ hướng dẫn phụ cấp trách nhiệm công việc, thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế kế toán trưởng và phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước.”
Trong đó, đơn vị kế toán được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Kế toán 2015 là cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước; Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đơn vị này có lập báo cáo tài chính.
Căn cứ quy định trên, đơn vị phải có kế toán như sau:
– Các doanh nghiệp mới thành lập thì được bố trí người phụ trách kế toán trong thời gian tối đa là 12 tháng. Hết 12 tháng doanh nghiệp phải bố trí người làm kế toán trưởng.
– Các doanh nghiệp phải bố trí kế toán trưởng, trừ doanh nghiệp siêu nhỏ.
– Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được bố trí người phụ trách kế toán thay cho kế toán trưởng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Giai Ý qua Hotline: 0388 789 038 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua Email: luatgiaiy@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT GIAI Ý